Ngày 3/4/2025, Mỹ chính thức công bố chính sách thuế đối ứng mới, áp dụng mức thuế 10% đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương, chính sách này sẽ được tạm hoãn trong vòng 90 ngày.
Riêng Trung Quốc, do được coi là quốc gia có các hành vi thương mại bất lợi cho Mỹ, đã bị áp mức thuế đặc biệt lên tới 125%, và không thuộc diện được hoãn áp dụng.
Trong trường hợp xấu, nếu sau 90 ngày đàm phán không đạt được kết quả tích cực và Việt Nam bị áp mức thuế 46% như dự kiến, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.

Các nhóm ngành bị ảnh hưởng khi Mỹ áp mức thuế quan 46%
Nội dung
5 ngành bị ảnh hưởng mạnh do thuế suất 46% của Mỹ
Các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ… được đánh giá là những lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất nếu mức thuế mới của Mỹ chính thức có hiệu lực. Nguyên nhân là do những ngành này có tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao, phụ thuộc mạnh vào đơn hàng từ Mỹ.

5 ngành bị ảnh hưởng mạnh do thuế suất 46% của Mỹ
Dệt may
Dệt may là một trong những ngành có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 16,1 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị xuất khẩu ngành. Nếu bị áp thuế đối ứng cao, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh so với hàng hóa từ các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc hay Sri Lanka – những quốc gia có mức thuế thấp hơn.
Máy tính linh kiện điện tử
Đối với ngành điện tử và linh kiện máy tính, xuất khẩu sang Mỹ đạt 23,2 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch. Các công ty sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor. Nếu bị áp mức thuế cao, các tập đoàn này có thể sẽ chuyển khâu hoàn thiện, lắp ráp hoặc đóng gói sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn như Ấn Độ hoặc Indonesia. Điều này có thể gây ảnh hưởng gián tiếp đến các ngành liên quan như bất động sản khu công nghiệp và vận tải logistics tại Việt Nam.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ
Tương tự, máy móc, thiết bị và dụng cụ là nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 22 tỷ USD, tương đương 42,3% tổng giá trị xuất khẩu ngành. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đa số là FDI từ Mỹ (Rockwell Automation, First Solar), Trung Quốc và Hồng Kông. Việc dịch chuyển sản xuất nếu bị áp thuế sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn lên các khu công nghiệp và ngành vận tải nội địa, khiến chuỗi cung ứng trong nước bị gián đoạn.
Gỗ & sản phẩm từ gỗ
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những ngành có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,1 tỷ USD, chiếm tới 56% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Nhờ lợi thế về chi phí sản xuất thấp, đặc biệt là nguồn nguyên liệu trong nước chiếm khoảng 70%, Việt Nam từng vươn lên vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu vào Mỹ. Tuy nhiên, nếu mức thuế đối ứng 46% được áp dụng, giá thành sản phẩm sẽ tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh và khiến hàng hóa Việt Nam trở nên ngang bằng về giá với Trung Quốc – đối thủ lớn nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh này, một số quốc gia như Canada (chiếm 46,4% kim ngạch nhập khẩu gỗ vào Mỹ), Indonesia (1,5%) và Malaysia (0,1%) có thể tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần nhờ chỉ chịu thuế từ 10% đến 25%, thấp hơn đáng kể so với mức mà Việt Nam có thể phải đối mặt.
Giày dép
Ngành giày dép cũng nằm trong nhóm dễ bị tổn thương khi có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 36,2% tổng xuất khẩu ngành. Trước đây, xu hướng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến sản xuất lý tưởng cho nhiều thương hiệu lớn.
Các hãng nổi bật như Nike hiện sản xuất khoảng 25% sản lượng toàn cầu tại Việt Nam, trong khi Ugg và Hoka xem Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ hai. VF Corporation (sở hữu các thương hiệu như Vans, Timberland) cũng có tới 18% nguồn cung đến từ Việt Nam. Tuy không có doanh nghiệp nội địa niêm yết trực tiếp sản xuất giày dép, nhưng các công ty trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và logistics đường biển có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do sự sụt giảm đơn hàng từ các hãng này.
Thủy sản
Với ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm qua đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương 18,2% tổng kim ngạch ngành. Các mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra hiện đang được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu khi vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu bị áp mức thuế mới, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt sẽ suy giảm đáng kể so với các đối thủ lớn như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia – những nước có chi phí sản xuất thấp và hiện đang cung ứng mạnh vào Mỹ.
Trong đó, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 691 triệu USD, chiếm khoảng 18% tổng xuất khẩu tôm cả nước. Mức thuế hiện hành vẫn có lợi hơn so với Ấn Độ và Ecuador từ 1–6%, tuy nhiên lợi thế này có thể bị xóa bỏ nếu áp thuế đối ứng cao. Cá tra, một mặt hàng chủ lực khác, đạt giá trị 345 triệu USD tại thị trường Mỹ, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai đối với cá tra Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia đang từng bước gia tăng xuất khẩu cá tra sang Mỹ, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
5 ngành ít bị ảnh hưởng do thuế suất 46% của Mỹ
Dù phần lớn các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu mức thuế 46% được áp dụng sau thời gian tạm hoãn, vẫn có một số lĩnh vực ít bị tác động hơn nhờ vào đặc thù hoạt động hoặc chính sách thuế đã được thiết lập từ trước. Đây có thể xem là những “vùng đệm” giúp giữ ổn định phần nào cho nền kinh tế trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

5 ngành ít bị ảnh hưởng do thuế suất 46% của Mỹ
Thép
Ngành thép gần như không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ. Nguyên nhân là do các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam không nằm trong danh mục bị điều chỉnh thuế lần này. Ngoài ra, sản phẩm thép Việt Nam đã chịu mức thuế 25% theo Mục 232 từ trước đó, nên các biện pháp mới không tạo ra thêm áp lực đáng kể. Nhờ vậy, ngành thép được đánh giá là tương đối ổn định trước biến động chính sách thuế từ Mỹ.
Ngân hàng
Ngành ngân hàng chỉ chịu tác động gián tiếp từ rủi ro xuất khẩu giảm. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và FDI trong toàn ngành chỉ chiếm lần lượt khoảng 5% và 2%. Do đó, mức độ ảnh hưởng là không lớn. Ngược lại, ngành này còn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nước – hai yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Bất động sản dân cư
Bất động sản dân cư không liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó, các biến động từ chính sách thuế quan của Mỹ gần như không ảnh hưởng đến phân khúc này. Thêm vào đó, nhờ lực cầu trong nước tăng trở lại cùng với các chính sách hỗ trợ lãi suất và tín dụng, bất động sản dân cư được đánh giá là nhóm ngành trung lập và có tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.
Khoáng sản
Ngành khoáng sản, chủ yếu bao gồm khai thác và chế biến các loại tài nguyên như than, đá, quặng kim loại… không thuộc các nhóm sản phẩm bị áp thuế trong chính sách đối ứng của Mỹ. Ngoài ra, phần lớn đầu ra của ngành khoáng sản được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang các thị trường châu Á, nên ít chịu tác động từ chính sách của Mỹ. Ngành này vẫn duy trì vai trò ổn định và có thể được hỗ trợ nếu nhu cầu đầu tư công và xây dựng tiếp tục tăng.
Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin là ngành có mức độ phụ thuộc thấp vào xuất khẩu hàng hóa vật lý, và chủ yếu cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, phần mềm, gia công phần mềm… Các hoạt động này ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế thương mại. Ngành này vẫn được xem là một trong những điểm sáng trong dài hạn nhờ xu hướng số hóa mạnh mẽ và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao trên toàn cầu.
Phản ứng từ Chính phủ Việt Nam
Theo đánh giá từ các chuyên gia, những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong cơ cấu doanh thu sẽ chịu sức ép không nhỏ nếu bị áp mức thuế cao. Chi phí sản xuất và vận hành tăng lên trong khi đơn hàng sụt giảm có thể dẫn đến áp lực lớn lên dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước những biến động về chính sách thương mại, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro. Các biện pháp bao gồm giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ và mở rộng hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ phát triển tại Việt Nam. Những nỗ lực này kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương trong thời gian tới.
Tuy vậy, việc Mỹ có tiếp tục áp dụng mức thuế 46% với hàng hóa từ Việt Nam hay không vẫn còn phụ thuộc lớn vào kết quả các cuộc đàm phán đang được xúc tiến giữa hai bên. Kịch bản cuối cùng sẽ là yếu tố then chốt quyết định triển vọng của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới.

Mức thuế quan sẽ phụ thuộc vào những cuộc đàm phán giữ Chính phủ Việt Nam và Mỹ
Hiện nay, Mỹ giữ vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại song phương quan trọng thứ hai của Việt Nam. Trong năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 150 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước, với mức thặng dư thương mại lên tới 123,5 tỷ USD – đưa Việt Nam vào nhóm ba quốc gia có thặng dư cao nhất với Mỹ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng thách thức hiện tại cũng là thời điểm thích hợp để Việt Nam rà soát lại cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam chuyển mình linh hoạt hơn trong bối cảnh toàn cầu biến động nhanh chóng.
*Nguồn: GSO, General Department of Customs, VIS Rating, VnEconomy